Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Lạm bàn (một cách không công bằng) về quyển "Chiến tranh tiền tệ" của Song Hongbing

Có lẽ hầu hết những người bạn quen thân với tôi đều biết tôi rất đam mê tìm hiểu kinh tế học. Niềm đam mê này thực ra cũng chỉ mới đến với tôi khoảng hơn 2 năm nay thôi. Thời gian đầu tôi tìm đến kinh tế học vì 2 nguyên nhân chủ yếu: những lý luận chính trị sáo rỗng trong nước làm tôi khó chịu và hối thúc tôi tìm cho mình một nền móng kiến thức tốt để phản biện lại; và tôi vô tình đọc được những quyển sách kinh tế mang lại đầy cảm hứng của Tim Harford và Mankiw - người mà giờ tôi xem là thần tượng trong ngành này. Càng tìm hiểu sâu, tôi càng nhận ra kinh tế học không phải là về những chỉ số khô khan như GDP và CPI. Cũng như Tim Harford nói: "economics is about who gets what and why". Thú thật, tôi là người dễ có cái nhìn phiến diện - và đó là một điểm khá dở của tôi. Nhưng thông qua việc tìm hiểu kinh tế học, tôi dần dần có cái nhìn đa chiều hơn cũng như học hỏi được cách tranh luận ôn hòa hơn một chút (tất nhiên sẽ có người nói tôi vẫn còn "aggressive" lắm – và tôi đồng ý :) ).

Có khá nhiều bạn khi biết tôi đam mê kinh tế học liền hỏi tôi ngay là tôi đã đọc những quyển như Chiến tranh tiền tệ (Currency Wars) hay Lời thú tội của một sát thủ kinh tế (Confession of an economic hitman) chưa. Và tôi cũng thật lòng trả lời là chưa. Với một người tự cho là đam mê kinh tế như tôi mà chưa đọc 2 quyển đó thì có lẽ bị cho là hơi "quê mùa". Ở đây tôi chỉ muốn bàn về Currency Wars và có 2 lý do chính tôi chưa đọc quyển này: một là tôi muốn tìm bản tiếng Anh để đọc trong khi bản dịch tiếng Anh chưa có, và hai là qua một số tìm hiểu tôi biết dây là một quyển sách về "conspiracy theory" (thuyết âm mưu) chứ không phải là một quyển mang tính chất học thuật nghiêm túc (tương tự với Confession of an economic hitman). Theo tôi biết, có khá nhiều thuyết âm mưu đã được đưa ra từ xưa đến nay, từ vụ 11/9, việc che giấu người ngoài hành tinh, cho đến Jewish Domination. Nội dung của Currency wars cũng không phải ngoại lệ: một conspiracy theory về các nhà tài phiệt đang thống trị thế giới thông qua Fed (Cục dự trữ Liên Bang Mỹ) – một dạng New World Order. Tôi có thử tìm hiểu về quyển sách này qua một số trang web tiếng Việt và tìm được một đoạn giới thiệu sách khá thú vị được viết bởi "Thạc sĩ" Đinh Thế Hiển, trong đó có một đoạn liên kết thuyết âm mưu của quyển sách với việc lạm phát và khủng hoảng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2007-2008, trong đó có câu: Hiện tượng này mới xảy ra lần đầu tại Việt Nam, tuy nhiên, rất ít người biết được rằng, kịch bản này đã được dàn dựng thành công tại nhiều nước trên thế giới. Tôi không biết thạc sĩ Hiển đã viết thực những gì ông nghĩ hay chỉ là một chiêu "PR" cho quyển sách. Nhưng dù cho có là "PR" đi chăng nữa thì viết vậy đúng là hơi "thô" (nếu không nói là hạ thấp uy tín "Giám đốc Viện nghiên cứu tin học & Kinh tế ứng dụng" của ông). Ai tìm hiểu kỹ về kinh tế VN giai đoạn 2007 2008 chắc có lẽ đều biết lạm phát tăng cao và hiện tượng bong bóng chứng khoán + bất động sản chủ yếu là do việc nới lỏng tiền tệ bất cẩn của NHNN (nhằm đạt chỉ tiêu GDP). Việc nới lỏng này càng bị làm cho trầm trọng thêm do chính sách fixed exchange rate cùng với việc sterilization kém của chính NHNN. Khi phát hiện ra lạm phát khá trễ, NHNN lại "đạp phanh" quá gấp dẫn đến khủng hoảng thanh khoản (giáo sư Giang Le có bài viếtkhá hay giải thích về việc này). Rõ ràng lỗi phần lớn là do NHNN VN vậy mà ông Hiển lại viết theo kiểu chính bọn "tài phiệt" là nguyên nhân chính gây ra đống hỗn độn. Thay vì đi đổ lỗi cho các nhà đầu tư nước ngoài, có lẽ những người như ông Hiển nên dành thời gian để nói về tính độc lập khá kém của NHNN VN (hay ít ra là về tính khả thi của việc vận hành NHNN của trường phái Austrian chẳng hạn)

Bản thân tôi dù chưa đọc Currency Wars nhưng có biết sơ về nội dung quyển sách. Trong sách có đề cập đến việc Fed không phải là một public bank mà là một private bank - một ngân hàng tư nhân được sở hữu bởi các nhà tài phiệt lớn- trong đó có đế chế Rothschild. Song Hongbing-tác giả quyển sách cho rằng chính những ông trùm tài phiệt này đã lũng đoạn Fed và thông qua Fed để khuynh đảo thế giới nhằm làm lợi riêng cho họ. Thực ra những phát biểu của Song Hongbing về Fed cũng không có gì là mới mẻ. Trước Song Hongbing đã có những học giả như Eustace Mullins và Gary Kah đặt nghi vấn về tính "chính trực" của Fed - và cũng không có gì bất ngờ nếu Song sử dụng chính những nghiên cứu của Mullins cho bài viết của mình. Tôi có làm một số research nho nhỏ để làm sáng tỏ hơn về "ownership" của Fed. Fed thực ra không hẳn là một private bank theo nghĩa thông thường mặc dù chính những private member banks sở hữu shares của Fed. Lý do của việc này là để phần nào đảm bảo tính độc lập của Fed trong việc đưa ra chính sách tiền tệ (monetary policy) - một tính chất rất quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát. Tính độc lập này được thể hiện qua việc các quyết định monetary policy của Fed không cần phải thông qua tổng thống hay quốc hội. Tuy nhiên, Board of Governors (gồm 7 người) của Fed - hội đồng kiểm soát nguyên hệ thống - vẫn phải được chỉ định bởi tổng thống và việc chỉ định này phải được sự đồng ý của Quốc hội. Không có private bank nào được vote cho 7 người này. Bên cạnh Board of Governor còn có Federal Open Market Committee (FOMC): ủy ban trực tiếp can thiệp vào money supply. Ủy ban này bao gồm 7 governors ở trên cộng thêm 5 presidents của Regional Federal Reserve Banks (tổng cộng 12 người). Và đây có lẽ chính là điểm mà những người như Song Hongbing đưa ra thuyết âm mưu của mình. Mặc dù không bầu ra 7 governors, các private member bank (thông qua việc bầu ra 6 regional directors) được bầu ra president của mỗi regional Fed Bank. Dựa vào đây, thuyết âm mưu cho rằng các nhà tài phiệt nắm giữ phần lớn cổ phần của New York Federal Reserve Bank (một trong 12 regional Fed Bank cấu thành nên Fed) thông qua đó bầu ra president của New York Fed bank này và từ đó chi phối việc điều hành tiền tệ. Suy luận kiểu như thế mắc phải một số lỗi:

- Một là quyền bầu cử lên president các regional directors để bầu lên president của New York Fed Bank không giống như những công ty khác, hoàn toàn không phụ thuộc vào số cổ phiếu. Mỗi member bank chỉ có một vote dù cho member bank đó có nắm giữ 90% cổ phiếu (US Code Sec 304). Trong khi dưới trướng của New York Fed có đến cả ngàn member bank (Flaherty 1997) - tức là khoảng 1000 votes, hai hoặc ba ông lớn khó có thể nào ảnh hưởng mạnh đến kết quả bỏ phiếu

- Hai là không có tài liệu uy tín nào chỉ ra rằng có tập đoàn nước ngoài sở hữu một lượng lớn shares của New York Fed. Học giả Mullins (1983) cho rằng các tập đoàn nước ngoài (Rothschild) gián tiếp kiểm soát Fed thông qua viẹc sở hữu các member bank lớn có nắm giữ shares của New York Fed (Citibank, Chase Manhattan, Morgan Guaranty Trust, etc). Nhưng thực tế là tên của những tập đoàn này không được tìm thấy trong danh sách cổ đông lớn của những nhà bank này. Điều này có nghĩa là các tập đoàn của Rothschild nếu có nắm giữ shares của Citibank hay Chase Manhatan (giờ là con của JP Morgan Chase) lúc bấy giờ chỉ sở hữu thấp hơn 5% outstanding shares mà thôi. Tôi có thử tự tìm danh sách các cổ đông lớn của các member bank được nêu tên này, và kết quả là tôi không thể tìm thấy sự kiểm soát mạnh mẽ nào của Rothschild trong các danh sách đó (bạn nào có thể tìm ra dấu vết của Rothschild thì có thể cho tôi biết thêm thông tin). Nếu sở hữu gián tiếp không được, liệu có cách nào để các tập đoàn nước ngoài sở hữu trực tiếp shares của New York Fed? Câu trả lời có lẽ cũng là không, vì chỉ có member bank mới mua shares của Fed và tất cả các member bank đều phải là national banks hay state banks.

- Ba là ngay cả khi bằng cách nào đó các tập đoàn tài chính nước ngoài kiểm soát được NY Fed (một regional Fed), họ cũng không thể nào có được ảnh hưởng mạnh mẽ lên các quyết định của nguyên hệ thống Fed. Như đã đề cập ở trên, FOMC bao gồm 7 governors và 5 presidents của các regional Fed. President của NY Fed, mặc dù là thành viên thường trực của FOMC, nhưng cũng chỉ là một cá thể trong tổng số 12 người của ủy ban. Tất cả các quyết định tiền tệ quan trọng của Fed đều phải được thảo luận và thông qua bởi 12 người này chứ không chỉ riêng president của NY Fed. Dựa trên căn cứ này, sẽ là rất hồ đồ nếu cho rằng một mình president của NY Fed có thể khuynh đảo nguyên hệ thống tiền tệ của Mỹ.

Một vấn đề khác nữa là về lợi nhuận của Fed. Nhiều người cho rằng các private member bank thông qua việc sở hữu shares của Fed đã kiếm được món lợi kếch sù từ lợi nhuận Fed hàng năm. Lập luận này là không có căn cứ. Sở hữu shares của Fed không giống như sở hữu shares của các công ty khác. Thứ nhất là theo Federal Reserve Act, mỗi member bank chỉ được mua một lượng shares của Fed cố định bằng 3% capital của member bank đó và giá của mỗi share được giữ mãi ở mức par value cố định là 100usd – không thay đổi. Shares lại không được mua bán hay làm collateral, tức là hoàn toàn không có capital gain. Thứ 2 là dividend mỗi năm cho member bank là bằng một mức cố định 6% paid-in capital – tức là 6% của 3% capital của member bank, một mức lợi nhuận quá nhỏ chẳng có gì hấp dẫn. Tất cả chứng tỏ Fed không phải là địa điểm đầu tư ngon lành cho bất cứ nhà đầu tư nào.

Như cái tựa đề tôi đặt cho cái note này, sẽ là không công bằng khi đánh giá một quyển sách trong khi chưa đọc nó và chỉ dựa vào một số thông tin tóm tắt ngoài lề. Tất nhiên, quyển “Currency Wars” đề cập nhiều vấn đề hơn ngoài vấn đề ownership của Fed và có lẽ tôi cần phải đọc hết quyển này để có thể đưa ra một nhận xét khách quan hơn. Tuy vậy, tôi viết cái note này vì thông qua một số forum trên mạng, tôi cảm giác có quá nhiều người cho rằng những gì quyển sách viết là chân lý và từ đó có cái nhìn phiến diện đối với hệ thống tài chính quốc tế. Càng quan ngại hơn khi ngay cả một số giảng viên dạy tài chính kinh tế cũng khuyến khích sinh viên “nên” đọc quyển này. Thiết nghĩ, với những người đang muốn tự tìm hiểu cơ bản về tài chính & kinh tế, việc tìm đọc ngay những quyển conspiracy theory như thế này là không nên. Nếu bạn đang muốn kiếm một quyển về kinh tế mang tính chất vừa khám phá lại vừa giải trí, tôi nghĩ những quyển như Freakonomics, Naked economics, hay The undercover economist có thể những lựa chọn hợp lý hơn.

Links tham khảo:
Who owns the Fed by Bill Woolsey
Who controls the Federal Reserve by Dr. Edward Flaherty
FED - FAQ
Federal Reserve Act

P/S:
Câu hay nhất mà tôi tìm được lúc research là một câu trong bài "Who owns the Fed" của Bill Woolsey: Some libertarian economists describe claims about the "private" nature of the Fed with an attitude of "if only" :))